Lượt xem: 2298
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên đề “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay”
29/10/2019
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên đề “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay”
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo trực tuyến
chuyên đề “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay”
Chiều ngày 26/10/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Sóc Trăng tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên đề: “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay” từ điểm cầu trung tâm (Phòng họp số 2, Ủy ban nhân dân tỉnh) đến các điểm cầu của huyện, thị xã, thành phố và tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Đến tham dự hội thảo, tại điểm cầu chính có Bà Nguyễn Thị Minh Hoàng, Phó Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh. Về phía ngành, có sự hiện diện của Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở GDĐT; Ông Nguyễn Việt Mười, Phó Giám đốc Sở GDĐT; Lãnh đạo và chuyên viên các phòng, ban chuyên môn của Sở; Tại điểm cầu của 11 huyện, thị xã, thành phố và tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, có sự tham dự của Lãnh đạo và chuyên viên phụ trách các cấp học thuộc phòng GDĐT và hơn 13.000 đại biểu là cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, CĐSP trong toàn tỉnh.
Hội thảo lần này với mong muốn được lắng nghe những chia sẻ của những cá nhân và tập thể về những gương điển hình, luôn tận tụy, tâm huyết với nghề và tất cả vì học sinh thân yêu; đồng thời, đây cũng là dịp để tất cả cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong toàn ngành tự soi rọi lại chính mình về những phẩm chất, năng lực của mỗi người, từ đó tiếp tục phát huy, noi theo những gương tốt, việc tốt, khắc phục những hạn chế, tồn tại và không ngừng phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực của người thầy để luôn được xã hội kính trọng, tôn vinh là “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã nghe 04 báo cáo tham luận và nhiều ý kiến đóng góp xung quanh các vấn đề:
- Thực trạng và giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo trong giai đoạn hiện nay tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh.
- Đạo đức và trách nhiệm của nhà giáo.
- Trách nhiệm với nghề.
- Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm.
- Vai trò của Hiệu trưởng và người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong việc nâng cao đạo đức nhà giáo.
Kết thúc buổi Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở GDĐT, thay mặt Chủ tọa hội thảo đề nghị các đơn vị quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung sau sau:
- Một là, trên cơ sở các văn bản quy định của Nhà nước, của ngành giáo dục về đạo đức nhà giáo, đề nghị các trường cần nghiên cứu, cụ thể hóa, rà soát, bổ sung tiêu chí đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cho phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường. Theo đó, thầy giáo, cô giáo phải thực sự tâm huyết với nghề, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nghề nghiệp; có tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác.
- Hai là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh trong các nhà trường. Theo đó, mỗi thầy giáo, cô giáo phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, đề ra nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp để làm cơ sở điều chỉnh hành vi đạo đức của mình, nhất là những tác động ảnh hưởng chi phối đến tình cảm, lòng yêu nghề của đội ngũ nhà giáo.
- Ba là, mỗi thầy giáo, cô giáo cần nhận thức sâu sắc hơn về nghề dạy học, đó là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Để được như vậy, mỗi nhà giáo cần có lòng nhân ái bao dung, độ lượng, sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của học sinh, của đồng nghiệp; tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế giáo dục, quy định của nhà trường. Trong công tác chuyên môn phải thực sự công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất và năng lực học tập của học sinh; chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Thực hiện tốt phong trào “dạy tốt, học tốt”.
- Bốn là, mỗi thầy giáo, cô giáo cần xây dựng cho mình tác phong công tác khoa học, bài bản, sáng tạo và hiệu quả; có tính nguyên tắc, sâu sát, cụ thể, gương mẫu; nói đi đôi với làm; thực hành tiết kiệm, sống khiêm tốn giản dị, trong sạch, chống xa hoa lãng phí. Xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ ở từng cấp học cụ thể.
- Năm là, Lãnh đạo các đơn vị nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến đạo đức nhà giáo, tạo điều kiện để thầy giáo, cô giáo phấn đấu rèn luyện; Phối hợp với tổ chức Công đoàn nhà trường kịp thời tuyên dương các gương nhà giáo tiêu biểu, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhà giáo; làm tốt vai trò kết nối, củng cố khối đại đoàn kết trong nhà trường.
CTTT
|